Người mới nghe Thầy giảng pháp lần đầu có thể hơi ngỡ ngàng vì những gì Thầy nói ra quá lạ lẫm so với những gì người Phật tử bình thường vẫn được học, được nghe, được thấy bấy lâu nay.
Tuy vậy, nếu chịu khó suy nghiệm thì càng thấy pháp do Thầy nói ra đích thật là Chánh Pháp, không thể bác bỏ hay chỉ trích điểm nào được. Cách diễn đạt Phật Pháp của Thầy đậm chất bình dị dễ hiểu; gặp những chỗ tâm đắc, Thầy cười khà khà như một Ông Ngoại nhà quê đang nói chuyện với đám con cháu. Tuy lời lẽ giản dị, chân phương nhưng ý nghĩa thật thâm sâu vi diệu mà như Thầy thường nói : “Những điều tôi nói không dễ nghe đâu, nhất là đối với người có thói quen đặt niềm tin một cách mù quáng mà không chịu khó tư duy quán chiếu thì càng không thể nghe tôi nói !”
Câu chữ Thầy dùng thường dung dị đến mức một số người cho rằng Thầy là người “thiếu văn hóa, hung dữ, hỗn hào…” như chính lời Thầy vẫn thường “cảnh giác” Phật tử gần xa và tăng, ni trẻ. Thế nhưng, nếu ai có chút tư duy, sẽ nhận ra rằng : câu chữ là do con người đặt ra để làm tín hiệu giao tiếp, bản thân câu chữ không có gì gọi là “văn hóa” hay “không văn hóa” cả !
Người ta càng phê phán Thầy theo luận điểm như trên thì những người biết tư duy quán chiếu càng nhận ra tính cách giải thoát, tự tại của Thầy trước những câu chấp, đãi bôi, học đòi làm sang của thế gian tầm thường. Mặc dù trong các bài pháp thoại, Thầy thường dùng những lời lẽ nặng nề để chỉ trích mạnh mẽ những lề thói tu hành không đúng chánh pháp, làm sai lạc đường lối tu hành do Đức Thế Tôn để lại…, nhưng nếu ai chịu quán chiếu, sẽ nhận ra đằng sau những lời lẽ quyết liệt ấy là một tâm hồn khoan dung bao la như đại dương, một trái tim từ bi vô hạn, một ý chí khao khát chân lý vô biên và một tinh thần dũng mãnh ít ai sánh kịp.
Bởi vì Thầy đã không màng chùa to phật đẹp mà phải nói lời đãi bôi dễ nghe; Thầy cũng không màng tạo phái lập hệ mà phải dùng những mánh khóe “tà đạo” để thu hút quần chúng. Thầy chỉ nói sự thật, “ai nghe thì nghe, ai không chịu nghe cũng chẳng làm sao”.
Người Phật tử tại gia nhận ra rằng Thầy thật sự tôn trọng hàng cư sĩ khi “lật bề trái” một số pháp môn hiện nay và trình bày sự thật của những pháp môn ấy cho người Phật tử áp dụng vào đường tu của mình và lánh xa những thứ tà thuyết, tà đạo đội lốt Phật Giáo đang đầy rẫy khắp nơi.
Chúng con đối với Hòa thượng Thích Từ Thông chỉ là kẻ “Văn kỳ thinh, bất kiến kỳ hình”, chẳng qua nhờ nghe nhiều lời nhắc nhở của Thầy mà rút ra vài nhận xét thô thiển trên đây, chưa chắc đã trúng nhưng cũng nói lên tấm lòng kính ngưỡng, suy tôn của một người cư sĩ đối với bậc cao tăng thạc đức hiếm có hiện nay của Phật Giáo Việt Nam.