Như đã giới thiệu, Như Huyễn Thiền sư Thi Tập gọi là thơ mà chẳng thi chẳng thơ gì ráo. Bởi lẽ, nếu xem đọc bằng nhãn quan nhận thức của một văn nghệ sĩ, thì khó tìm thấy có hồn thơ mong muốn của thi nhân. Vì thơ thì phải có “hồn thơ lai láng bồi hồi”!
Thơ của Như Huyễn Thiền sư “có một pháp lữ thuộc thành phần có tư tưởng tu chơi”, cường điệu gọi là Thiền Thơ nghe như cũng có lý. Bởi lẽ, thơ của Như Huyễn Thiền sư đã không “hồn thơ” rồi, mà lại không Thiền thì rõ là “chẳng thi chẳng thơ gì ráo”!
Nói cách khác, thơ của Như Huyễn Thiền sư chỉ là một duyên cớ, một thứ dữ liệu, đề tài để Thiền sư thể hiện một kiểu chơi: Hướng Dẫn Tu Học Từ Xa cho Phật tử hữu duyên, cho Tăng Ni trẻ “chịu chơi” theo con đường Tu hành Như Huyễn.
Thơ của Như Huyễn Thiền Sư công dụng của nó hướng thẳng vào hai mục tiêu: Tồi Tà, Phụ Chánh mà kinh điển Phật và các tiền bối chân chính thường động viên, cổ xúy trong giới tu sĩ Tăng Ni.
Nhằm vào mục đích đó, và đó là trọng tâm là ý chí Như Huyễn Thiền sư đã gửi gắm trong tập thơ. Ngoài hai cách Tồi Tà, Phụ Chánh chơi còn một cách chơi “Trung đạo” cũng được gửi gắm trong tập thơ này.
Trung đạo nghĩa là không công phá đánh đổ mạnh mê tín dị đoan, huyễn hoặc hoang đường, cũng không xây dựng chỉ rõ nhiều bên mặt xiển dương chánh pháp, tục diệm, truyền đăng. Thơ trung đạo gần gần giống thơ mà những người không cảm tình với thơ gọi là: “Ngâm phong vịnh nguyệt” hoặc “khóc mướn thương vay”! Do lý lẽ như vậy, thành ra tập thơ của Như Huyễn Thiền Sư có ba chương:
1. CHƯƠNG PHỤ CHÁNH.
2. CHƯƠNG TỒI TÀ.
3. CHƯƠNG SÁCH TẤN.
Nói nghe như nhiều chuyện lòng vòng nhưng rút lại xin thưa: Tất cả đều là CHƠI hết. Xin đừng ai xem thật, vì xem đây là thật thì có bận lòng... Hãy mở toang cửa lòng thoáng mát mà xem, Thiền Thơ sẽ nở trước mắt bạn nhiều bông hoa hương sắc.
Kính bút
Như Huyễn Thiền sư viết tại Liễu Liễu Đường
Đồi Tà Dương, Cao Nguyên Lâm Đồng Đà Lạt.
Ngày 24 - 7 - 2008 (22 - 6 - Mậu Tý)